Gần đây, Advantage Logistics chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn thắc mắc về tàu chuyến và tàu chợ, 2 cái đó khác nhau như thế nào? Chỉ cần vài phút đọc bài viết sau đây là các bạn đã có thể hiểu được các đặc điểm cũng như ưu và nhược điểm của những loại hình vận tải này rồi.
Nếu bạn làm các công việc liên quan đến xuất nhập khẩu và logistics thì càng cần phải biết rõ những thuật ngữ này để không rơi vào thế bị động khi giao dịch với khách hàng. Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm tại đây nhé!
1. Tàu chuyến là gì?
Có thể hiểu một cách ngắn gọn thì thuê tàu chuyến giống như chúng ta thuê cả một chiếc xe hơi cho riêng mình. Người thuê chủ động thỏa thuận sòng phẳng với chủ xe về giờ giấc, loại xe, tiền thuê,.. Nên có thể hình dung, thuê tàu chuyến là hành động chủ hàng (người thuê tàu) thuê toàn bộ chiếc tàu từ người cho thuê để chở hàng từ cảng này đến cảng khác.
Tàu chuyến là loại hình vận tải đường biển do hãng tàu cung cấp dịch vụ. Đặc trưng cơ bản nhất của tàu chuyến là được thuê trước lịch trình chuyển hàng, chứ không chạy theo lịch trình có sẵn. Đối tượng chở hàng sẽ là những loại hàng đặc thù, số lượng lớn.
1.1. Những đặc điểm của tàu chuyến
Dựa vào hoạt động của tàu chuyến, ta có thể thấy một số hoạt động của tàu chuyến như sau:
Đối tượng chuyên chở của tàu chuyến:
Tàu chuyến thường chuyên chở những loại hàng có khối lượng lớn, tính chất của hàng hóa chuyên chở tương đối thuần nhất và thường được chở đầy tàu.
Tàu vận chuyển:
Tàu vận chuyển theo phương thức chuyến thường có cấu tạo một boong, nhiều hầm, miệng hầm rộng, có trọng tải lớn để thuận tiện cho việc bốc hàng.
Điều kiện chuyên chở:
Khác với tàu chợ, đối với tàu chuyến, điều kiện chuyên chở, cước phí và chi phí xếp dỡ hàng lên xuống… đều được quy định cụ thể trong hợp đồng thuê tàu do 2 bên người thuê và người cho thuê thỏa thuận.
Cước phí:
Cước tàu chuyến khác với cước tàu chợ, cước tàu chuyến thường do người thuê và người cho thuê thỏa thuận đưa và hợp đồng, nó có thể bao gồm cả chi phí xếp dỡ hoặc không tùy theo quy định. Cước tàu chuyến thường biến động hơn cước tàu chợ.
Thị trường tàu chuyến:
Thị trường tàu chuyến thường được người ta chia ra làm các thị trường khu vực căn cứ và phạm vi hoạt động của tàu.
1.2. Khái niệm thuê tàu chuyến
Thuê tàu chuyến (Voyage) là chủ tàu (Ship-owner) cho người thuê tàu (Charterer) thuê toàn bộ chiếc tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng này sang cảng khác. Trong phương thức thuê tàu chuyến, mối quan hệ giữa người thuê tàu (chủ hàng) với người cho thuê tàu (chủ tàu) được điều chỉnh bằng một văn bản gọi là hợp đồng thuê tàu chuyến (Voyage charter party) được viết tắt là C/P. Hợp đồng này do hai bên thỏa thuận ký kết.
Thông thường, có các hình thức thuê tàu chuyến sau:
+ Thuê chuyến một (single voyage): Là hình thức chủ hàng thuê tàu chuyến trong đó hợp đồng thuê tàu sẽ hết hiệu lực khi hoàn thành việc dỡ hàng tại cảng đến.
+ Thuê chuyến khứ hồi (round voyage): Là việc thuê tàu chuyến, trong đó hợp đồng thực hiện thuê tàu chở hàng đến một cảng rồi chở hàng từ cảng đó về lại cảng khởi hành.
+ Thuê chuyến liên tục (consecutive voyage): Là việc thuê tàu chuyến, trong đó hợp đồng thực hiện thuê tàu chở hàng từ cảng này đến cảng khác với nhiều chuyến liên tiếp nhau.
Một số thuật ngữ liên quan:
Ship owner: người cho thuê tàu
Shipping line: hãng tàu
Shipping line với Ship owner có thể là một hoặc nếu Shipping line không có tàu thì họ thuê tàu của Ship owner để kinh doanh vận tải trong 10 năm, 20 năm.
Charterer: người thuê tàu
Broker: người môi giới cước tàu. Nghiệp vụ thuê tàu chuyến thường phức tạp, do vậy người thuê tàu thường thông qua các broker (là các công ty forwarder – đại lý của hãng tàu) để ủy thác thuê tàu.
1.3. Ưu và nhược điểm của phương thức thuê tàu chuyến
1.3.1. Ưu điểm
+ Tính linh hoạt cao: Có thể yêu cầu xếp dỡ ở bất kỳ cảng nào và có thể thay đổi cảng xếp dỡ dễ dàng.
+ Giá cước thuê tàu rẻ hơn so với tàu chợ (thường rẻ hơn 30%).
+ Người thuê tàu được tự do thỏa thuận mọi điều khoản trong hợp đồng chứ không bắt buộc phải chấp nhận như trong phương thức thuê tàu chợ.
+ Tốc độ chuyên chở hàng hóa nhanh vì tàu thuê thường chạy thẳng từ cảng xếp đến cảng dỡ, ít ghé các cảng dọc đường.
1.3.2. Nhược điểm
+ Kỹ thuật thuê tàu, ký kết hợp đồng khá phức tạp vì đòi hỏi thời gian đàm phán.
+ Giá cước biến động thường xuyến và rất mạnh, đòi hỏi người thuê phải nắm vững thị trường nếu không sẽ phải thuê với giá đắt hoặc không thể thuê được.
+ Trong thực tế, người ta thường thuê tàu chuyến để chở hàng rời, có khối lượng lớn như than, quặng, ngũ cốc… hoặc hàng có đủ số lượng cho trọng tải.
1.4. Trình tự thuê tàu:
Thuê tàu chuyến có thể chia ra làm 6 bước như sau:
Bước 1: Người thuê tàu thông qua người môi giới (Broker) yêu cầu thuê tàu để vận chuyển hàng hóa cho mình:
Ở bước này người thuê tàu phải cung cấp cho người môi giới tất cả các thông tin về hàng hóa như: tên hàng, bao bì đóng gói, số lượng hàng, hành trình của hàng,… để người môi giới có cơ sở đi tìm tàu.
Bước 2: Người môi giới chào hỏi tàu:
Trên cơ sở những thông tin về hàng hóa do người thuê tàu cung cấp, người môi giới sẽ tìm tàu, chào tàu thuê cho phù hợp với nhu cầu chuyên chở hàng hóa.
Bước 3: Người môi giới đàm phán với chủ tàu
Sau khi chào hỏi tàu, chủ tàu và người môi giới sẽ đàm phán với nhau tất cả các điều khoản của hợp đồng thuê tàu như: điều kiện chuyên chở, cước phí, chi phí xếp dỡ, vị trí tàu, thời gian đến cảng…
Bước 4: Người môi giới thông báo kết quả đàm phán với người thuê tàu
Sau khi có kết quả đàm phán, người môi giới sẽ thông báo kết quả đàm phán cho người thuê tàu để người thuê tàu biết và chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng thuê tàu.
Bước 5: Người thuê tàu với chủ tàu ký kết hợp đồng
Trước khi ký kết hợp đồng, người thuê tàu phải rà soát lại toàn bộ các điều khoản của hợp đồng. Hai bên sẽ gạch bỏ hoặc bổ sung những điều đã thỏa thuận cho phù hợp vì thuê tàu chuyến, hợp đồng mẫu chỉ nêu những nét chung.
Bước 6: Thực hiện hợp đồng
Sau khi hợp đồng đã được ký kết, hợp đồng thuê tàu sẽ được thực hiện.
2. Tàu chợ là gì?
Có thể hiểu một cách ngắn gọn thì tàu chợ cũng giống như xe bus vậy. Xe bus chỉ ghé đúng trạm, đúng giờ. Ai muốn đi thì phải ra đúng giờ, đúng trạm. Xe bus thì đi theo tuyến, mỗi hãng xe bus có thể chạy nhiều tuyến. Trên chuyến xe bus này có nhiều người, không chỉ mình bạn. Mỗi người chỉ ngồi 1 chỗ. Muốn đi thì mua vé trước.
Cũng tương tự như vậy thì tàu chợ là tàu chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, ghé qua những cảng quy định và theo một lịch trình định trước. Do vậy chủ hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian giao hàng lên tàu.
Tàu chợ hoạt động trên tuyến đường nhất định nên người ta còn gọi là tàu định tuyến. Lịch tàu chạy thường được các hãng tàu công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để thuận lợi cho khách hàng.
2.1. Những đặc điểm của tàu chợ
Căn cứ vào hoạt động của tàu chợ, chúng ta có thể rút ra được những đặc điểm cơ bản của tàu chợ như sau:
Tàu chợ thường chở hàng hóa có khối lượng nhỏ, là các mặt hàng khô hoặc hàng có bao bì. Và bắt buộc phải đóng vào containers.
Cấu tạo của tàu chợ phức tạp hơn các loại tàu khác: Tàu có đặc điểm nhiều boong, nhiều hầm hàng, nhiều miệng hầm (mỗi tàu có từ 4-5 miệng hầm). Trọng tải trung bình khoảng từ 10.000 – 20.000 tấn, tốc độ trung bình từ 17 – 20 miles và cần cẩu loại 2.5 – 7 tấn.
Điều kiện chuyên chở do các hãng tàu quy định và in sẵn trên vận đơn đường biển để phát hành cho người gửi hàng.
Theo phương thức thuê tàu chợ B/L không những điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở với người gửi hàng mà còn điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở và người nhận hàng.
2.2. Khái niệm thuê tàu chợ
Thuê tàu chợ hay người ta còn gọi là lưu cước tàu chợ (liner booking). Nghĩa là chủ hàng (shipper) trực tiếp hay thông qua người môi giới (broker) yêu cầu chủ tàu (ship owner) để mua một chỗ trên tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng đi đến cảng đích.
Hãng tàu sẽ giao containers rỗng cho chủ hàng/ người xuất khẩu đóng hàng vào containers, sau đó hãng tàu bắt đầu vận chuyển containers.
Một số thuật ngữ liên quan:
Carrier: Người vận tải = Hãng tàu = Shipping Liner
Shipper: Người gửi hàng = Người xuất khẩu = Người bán
Consignee: Người nhận hàng = Người nhập khẩu = Người mua
Forwarder: Đại lý mua bán cước
Forwarder là người sẽ mua cước của hãng tàu để bán lại cho người thuê tàu. Nếu người thuê tàu làm việc trực tiếp với hãng tàu thì không cần xuất hiện forwarders.
Nhưng trong trường hợp người thuê tàu cần đi hàng lẻ (hàng không đầy 1 cont = hàng consol = hàng LCL) thì bắt buộc người thuê tàu phải đi qua forwarders vì hãng tàu chỉ vận chuyển hàng nguyên container (hàng FCL) chứ không nhận hàng lẻ.
Có nhiều hãng tàu lập ra những công ty forwarders chính là công ty con của mình để có thể làm hàng lẻ, chứ không để thị trường này mất vào tay các forwarders khác. Ví dụ như Evergreen Lines lập ra Evergreen Logistics,….
Forwarders mua đi bán lại cước, giá bị đẩy lên cao nhưng trong thực tế người thuê tàu vẫn thích dùng forwarders hơn là làm việc trực tiếp với hãng tàu, nhất là trong trường hợp người thuê tàu đi hàng ít, volume nhỏ khoảng vài containers. Bởi vì:
Những chủ hàng có volume nhỏ, không thể deal giá trực tiếp với hãng tàu, forwarders gom hàng của nhiều chủ hàng nên có trong tay volume lớn, rất lớn. Do vậy, giá mà hãng tàu chào cho họ rất ưu đãi. Volume của chủ hàng nhỏ nên giá thường cao hơn nhiều.
Chủ hàng chỉ muốn tập trung vào mảng mua bán kinh doanh hàng hóa. Việc suy nghĩ lựa chọn nhà vận tải, giá cước họ sẽ giao cho forwarder, vì chuyên kinh doanh cước nên forwarder sẽ giúp giảm chi phí, tìm được tuyến đường vận chuyển tốt nhất, phương thức và hãng vận tải phù hợp nhất cho nhu cầu của chủ hàng. Nhất là khi chủ hàng vừa mới tham gia vào lĩnh vực ngoại thương.
Trong trường hợp có khiếu nại xảy ra, forwarder cũng dễ giải quyết với hãng tàu hơn là chủ hàng vì hãng tàu thường coi trọng tiếng nói của forwarder hơn.
Thái độ làm việc của một số hãng tàu thường không được lòng chủ hàng nhất là bộ phận Customer Service. Do vậy họ thường chọn làm việc với forwarders. Vì đối với forwarders, chủ hàng là người quan trọng, “nuôi sống” họ phần nhiều. Còn đối với hãng tàu, các đại lý forwarders thường là đối tượng khách VIP hơn là chủ hàng nhỏ (chỉ một số ít chủ hàng có volume lớn mới được xem trọng)
Hiện nay, do sự cạnh tranh gay gắt bởi hàng chục hãng tàu và hàng ngàn công ty forwarders tại Việt Nam, các hãng tàu cũng đã tập trung hơn cho đối tượng khách hàng nhỏ và thay đổi nhiều ở cách làm việc và hoạt động của bộ phận booking/ cus.
2.3. Ưu và nhược điểm của phương thức thuê tàu chợ
2.3.1. Ưu điểm
+ Số lượng hàng hóa không hạn chế.
+ Việc bốc dỡ thường do chủ tàu đảm nhận cho nên đơn giản được thủ tục.
+ Việc tính toán điều kiện giao nhận trong mua bán dễ dàng, vì tàu chạy theo một lịch trình đã định trước.
+ Thuận tiện cho chủ hàng trong việc tính toán hiệu quả kinh doanh: vì căn cứ vào biểu cước có thể tính toán được tiền cước trước.
+ Chủ hàng sẽ rất chủ động trong việc lưu cước.
+ Thủ tục thuê tàu đơn giản, nhanh chóng (có thể đặt trước chỗ thuê tàu qua điện thoại hoặc internet).
2.3.2. Nhược điểm
Cước thuê tàu trên một đơn vị hàng hóa chuyên chở thường cao hơn cước thuê tàu chuyến: do đã tính cả chi phí xếp dỡ và do tàu chợ thường không tận dụng hết trọng tảu (tương đương 75%) nên phải tính luôn cả phần tàu chạy không hàng.
+ Về mặt pháp lý người thuê tàu chợ thường ở thế yếu vì không được tự do thỏa thuận các điều kiện chuyên chở mà phải chấp nhận các điều kiện in sẵn trong vận đơn
+ Phương thức này không linh hoạt trong việc tổ chức chuyên chở nếu như cảng xếp hoặc dỡ nằm ngoài hành trình quy định của tàu.
2.4. Trình tự thuê tàu chợ:
2.4.1. Trực tiếp
Bước 1: Tập trung hàng cho đủ số lượng quy định
Bước 2: Nghiên cứu lịch sử tàu chạy. Lịch này thông thường được đăng trên các báo kinh tế và báo “Sài Gòn giải phóng”. Từ đó chọn hãng tàu có uy tín và cước phí hạ. Hiện nay, giữa các hãng tàu có sự cạnh tranh lớn nên người thuê tàu thường được hưởng một khoản hoa hồng nhất định.
Bước 3: Chủ tàu lập bảng kê khai hàng (Cargo list) và ủy thác cho công ty đại lý vận tải giúp giữ chỗ trên tàu (booking ship’s space). Chủ tàu ký đơn xin lưu khoang (booking note) với hãng đại lý sau khi hãng tàu đồng ý nhận chuyên chở, đồng thời đóng cước phí vận chuyển.
Bước 4: Tập kết hàng để giao cho tàu:
Nếu hàng là container thì làm thủ tục mượn container để chất xếp hàng, sau đó giao container cho bãi hoặc trạm container.
Bước 5: Lấy Bill of Landing
Bước 6: Thông báo cho người mua về kết quả giao hàng cho tàu.
2.4.2. Thông qua người môi giới
Bước 1: Chủ hàng thông qua người môi giới, nhờ người môi giới tìm tàu, hỏi tàu để vận chuyển hàng hóa cho mình
Bước 2: Người môi giới hỏi tàu bằng việc gửi giấy lưu cước tàu chợ (booking note). Giấy lưu cước thường được in sẵn thành mẫu, trên đó có các thông tin cần thiết để điền vào khi sử dụng, việc lưu cước tàu chợ có thể cho một lô hàng lẻ và cũng có thể cho một lô hàng lớn thường xuyên được gửi. Chủ hàng có thể lưu cước cho cả quý, cả năm bằng một hợp đồng lưu cước với hãng tàu.
Bước 3: Người môi giới với chủ tàu thỏa thuận một số điều khoản chủ yếu trong xếp dỡ vận chuyển.
Bước 4: Người môi giới thông báo cho chủ tàu kết quả lưu cước với chủ tàu.
Bước 5: Chủ hàng căn cứ vào lịch tàu để vận chuyển hàng hóa ra cảng giao cho tàu.
Bước 6: Sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu, chủ tàu hay đại diện của chủ tàu sẽ cấp cho chủ hàng một bộ vận đơn theo yêu cầu của chủ hàng.
Qua các bước tiến hành thuê tàu chợ, chúng ta thấy trong phương thức thuê tàu chợ không ký hợp đồng thuê tàu. Khi chủ hàng có nhu cầu gửi hàng bằng tàu chợ chỉ cần thể hiện trên giấy lưu cước với hãng tàu và khi hãng tàu đồng ý nhận hàng để chở thì khi nhận hàng, hãng tàu sẽ phát hành vận đơn cho người gửi hàng. Vận đơn khi đã phát hành nghĩa là chủ tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển lô hàng.
Hy vọng qua bài viết dưới đây, bạn đã hiểu phần nào về định nghĩa tàu chợ và tàu chuyến cũng như những ưu và nhược điểm của nó. Nếu bạn còn thắc mắc gì hãy liên hệ ngay với Indochinapost để được tư vấn nhé!