Vài năm trước, khái niệm logistics trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là “logistics 4.0” còn khá mơ hồ, nhưng đến nay đã định hình rõ hơn.
Việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động logistics không còn xa lạ, thậm chí trở thành yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Tại Việt Nam, ba năm gần đây được coi là giai đoạn đánh dấu những bước tiến đáng ghi nhận về ứng dụng CNTT trong logistics, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng cục bộ, nhất là sự xuất hiện giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Có thể kể ra bốn mảng ứng dụng chính các công nghệ mới: Thứ nhất, ứng dụng CNTT trong vận tải đường bộ với mục đích tối ưu hóa năng lực phương tiện, kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian cũng như nâng cao tỷ lệ lấp đầy xe hàng. Thứ hai, giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh. Thứ ba, một số DN sản xuất lớn đã áp dụng hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa theo nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Thứ tư, một số nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin – tự động hóa – trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới phân phối đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, dù xu hướng ứng dụng CNTT có tăng, nhưng thực tế chưa nhiều DN logistics trong nước chịu đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động. Theo khảo sát, trình độ ứng dụng CNTT của DN logistics Việt Nam còn ở mức thấp, nhất là trong lĩnh vực vận tải đường bộ – hiện chiếm 80% thị phần vận tải nội địa. Ðây là một trong những yếu tố khiến cho DN Việt Nam khó có thể vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Thực tế, hầu hết DN Việt Nam chỉ đóng vai trò như những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các DN logistics nước ngoài, như đảm nhận việc khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi,… Trong khi đó, nếu chỉ cung cấp các dịch vụ kho vận đơn giản, thuần túy mà không tích hợp chúng thành quá trình, chuỗi dịch vụ, người cung ứng dịch vụ khó có thể thỏa mãn khách hàng về mặt giảm chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh. Chỉ với CNTT làm nền tảng cho dịch vụ logistics, các DN trong nước mới có thể cạnh tranh được với các DN logistics lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, DN Việt Nam cần ý thức việc ứng dụng CNTT vào hoạt động logistics là một xu thế tất yếu, phải ứng dụng trong tất cả các khâu, chuỗi cung ứng dịch vụ, ngay cả với những công nghệ mới như block chain. Bản thân các DN cần chủ động hơn trong việc tiếp cận, đầu tư ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, từ đó tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường được dự báo sẽ ngày càng gay gắt như hiện nay. Trong quá trình này, các DN logistics có thể hướng đến sự hợp tác với các công ty phần mềm để đặt hàng những ứng dụng chuyên biệt, qua đó có thể tận dụng tối đa hiệu quả của từng ứng dụng.
(Nguồn: Báo Nhân Dân)
* Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hàng không
Chuyển đổi số là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người, để tái cấu trúc cách thức hoạt động, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chuyển đổi số có nền tảng từ số hóa cơ sở dữ liệu, số hóa qui trình. Đồng thời trên cơ sở vận dụng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo để tiến hành xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu đã được số hóa, từ đó cho phép người dùng truy cập, trải nghiệm sản phẩm, quy trình,… nhằm hướng tới tối ưu hóa hoạt động. Việc số hóa dữ liệu và qui trình là cơ sở ban đầu của việc chuyển đổi số, phần lớn doanh nghiệp đã triển khai, hoàn thành công việc này. Tuy nhiên, ứng dụng để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hàng không đang từng bước được triển khai và ghi nhận những hiệu quả đem lại.
* Tự động hóa trong vận hành, khai thác, quản lý dịch vụ logistics hàng không
Bên cạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động, một xu hướng khác về ứng dụng công nghệ trong logistics nói chung và logistics hàng không nói riêng, đó là tự động hóa, sử dụng robot trong các hoạt động vận hành, khai thác.
– Trong công tác soi chiếu an ninh tại các cảng hàng không sân bay, người ta sử dụng những máy soi chiếu công suất lớn, cho phép soi chiếu toàn bộ lô hàng, đồng thời kết nối hệ thống màn hình kiểm soát an ninh và hệ thống thông tin hàng hóa, cho phép kiểm tra đối chiếu mà không cần thực hiện trực tiếp bởi con người. Việc này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng hiệu suất hoạt động và giảm bớt tác động của con người trong qui trình.
– Các robot được sử dụng trong công tác làm hàng đối với hàng nguy hiểm, hàng dễ vỡ, hàng quá khổ quá tải hoặc xử lý hàng hóa chất nguy hiểm khi gặp sự cố,… Đây là những ứng dụng mới nhất về công nghệ robot trong logistics hàng không. Bên cạnh đó, ý tưởng sử dụng xe tự hành trong khu bay, thiết bị bay không người lái (drone) trong quản lý kho hàng, robot tự động trong di chuyển hàng trong kho,… cũng đang được một số sân bay triển khai.
– Công nghệ tự động còn được sử dụng trong hệ thống phân loại hàng hóa có tích hợp với hệ thống giá kệ trong kho hàng không, việc này cho phép phân khu hàng hóa, quản lý vị trí lô hàng.
Với những ứng dụng về tự động hóa và robot trong vận hành, các doanh nghiệp logistics đang ngày càng tối ưu hóa quá trình hoạt động, đáp ứng yêu cầu về mức độ chính xác cao, thời gian thực hiện được rút ngắn, an toàn cho hàng hóa.
* Ứng dụng công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng mặt trời trong xây dựng hệ thống logistics xanh
Một trong những giải thưởng về đổi mới trong logistics hàng không đó là sử dụng ULD thông minh (ULD – Unit Load Devices – thiết bị chất tải sử dụng trong hàng không). Hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không thường là hàng giá trị cao, nhạy cảm với điều kiện vận chuyển như nhiệt độ, độ ẩm. Việc ứng dụng ULD thông minh, là ULD thông thường được trang bị thêm thiết bị cảm ứng có kết nối với hệ thống quản lý, cho phép ghi nhận thông tin về điều kiện của hàng hóa vận chuyển. Hàng hóa từ khi được đóng vào ULD, chuyển tới sân bay, thực hiện vận chuyển trên đường bộ hay đường không, ở trong kho hay trên sân đỗ tàu bay, sẽ luôn được theo dõi về tình trạng lô hàng, gồm cả nhiệt độ và độ ẩm. ULD thông minh không chỉ cho phép kiểm tra vị trí lô hàng, mà còn cho biết tình trạng hàng, từ đó người dùng có thể đưa ra giải pháp xử lý thích hợp nếu có vấn đề phát sinh.
ULD thông minh được coi là một đổi mới quan trọng trong logistics hàng không, khi nhu cầu vận chuyển đối với hàng hóa nhạy cảm như vaccin, đồ tươi sống, hoa,… ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc ứng dụng ULD thông minh đòi hỏi chi phí tăng thêm. Vì vậy, ý tưởng để khắc phục hạn chế này là sử dụng tấm năng lượng mặt trời gắn vào ULD. Giải pháp này sẽ sử dụng năng lượng của mặt trời trong quá trình theo dõi hoạt động của ULD. Đây cũng được coi là một ứng dụng hướng thân thiện môi trường, hướng đến xây dựng chuỗi logistics xanh theo xu hướng hiện nay.
Trên đây là một số ứng dụng công nghệ mới được ghi nhận trong logistics và logistics hàng không. Đứng trước yêu cầu đổi mới để phù hợp với nền kinh tế toàn cầu, mỗi lĩnh vực đều cần có sự thay đổi để thích ứng và phát triển. Những ứng dụng này đã phần nào hỗ trợ ngành Hàng không trong điều kiện ảnh hưởng của Covid, khi mà nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, đặc biệt với chuỗi cung ứng vaccin trên toàn cầu.
Khái niệm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là một chứng từ quan…
Dịch vụ khai báo hải quan là một khâu chính trong việc đảm bảo hàng…
Dịch vụ hải quan tại Nội Bài - cho khách hàng công ty Bạn muốn…
Ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Hải Quan Online Sáng 14/6, tại…
Khái niệm Incoterms (viết tắt của International Commerce Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là…
1. Hóa đơn thương mại - những thông tin cần biết năm 2022 Commercial invoice hay…