Nhiều người bảo là ngành xuất nhập khẩu – logistics nghề mệt nhất là nghề giao nhận hàng hóa. Điều này có đúng không?
Nhiều bạn mới ra trường, mới làm về giao nhận còn hoang mang chưa biết nghề này như thế nào, có những khó khăn gì? thì mong rằng những chia sẻ dưới đây sẽ hữu ích với bạn.
Những khó khăn trong nghề giao nhận hàng hóa
Dưới đây là một số chia sẻ về nghề giao nhận hàng hóa và những khó khăn
1. Phải rành đường
Nghề giao nhận hàng hóa là nghề mà bạn phải chạy đông tây , bất chấp thời tiết vì nếu làm chậm trễ lô hàng thì chi phí phát sinh có thể đội thêm hàng triệu, chục triệu đồng,… Khi làm nghề này, bạn phải biết được vị trí của các hãng tàu, cảng, địa chỉ các công ty đối tác, … và các địa chỉ phù hợp cho việc giao nhận để tìm đường đi ngắn nhất cho lô hàng.
2. Phải làm bất kể nắng mưa
Dù thời tiết như thế nào, khi hàng về, hay hàng đi, dù xa dù gần bạn vẫn phải chạy băng băng ngoài đường. Có những trường hợp mưa tầm tã, nếu phải kiểm hóa thì bạn vẫn phải chạy theo lô hàng để làm việc với Hải quan.
3. Nguy hiểm
Thực ra, làm việc ở cảng thì nhiều mối nguy hại luôn rình rập như xe trong cảng tông, cẩu container bị rớt, cần cẩu quơ trúng,…
Trong nhiều trường hợp khách giục, sếp giục, vội vội vàng vàng, không chú ý, không cẩn thận là rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rồi những khi chạy vội ngoài ngoài, hàng gấp, chạy xe cực kì nguy hiểm. Do vậy, dù bất kể trường hợp nào cũng cần phải cẩn thận, chú ý.
4. Tạo các mối quan hệ
Bất kể ngành nào cũng nên tạo các mối quan hệ tốt thì làm việc thuận lợi hơn. Đối với nghề giao nhận hàng hóa thì mối quan hệ với Hải quan là vô cùng quan trọng, quyết định đến tiến độ vận hành của lô hàng. Đặc trưng trong tính cách của nhân viên giao nhận thì phải biết nhịn thì hàng mới lưu thông thuận lợi.
Ngoài ra, bạn còn phải làm việc với Hãng tàu, cơ quan kiểm dịch, cắt seal, xe nâng,… nên càng tạo quan hệ tốt với nhiều người thì càng tốt.
5. Phải quen việc với từng nơi làm việc
Muốn nhanh thì phải quen việc. Khi làm việc với các cơ quan Nhà nước, người ta thường không quá nhiệt tình, bởi thế mà nếu bạn là người mới, không được ai hướng dẫn thì mất rất nhiều thời gian khi làm các thủ tục. Do vậy, nếu là người mới thì đi đến đâu hỏi đến đó, còn nhiều trường hợp còn phải bôi trơn để dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn.
6. Mất tiền oan
Nhiều trường hợp người giao nhận hàng hóa phải bỏ tiền ra để bù vào vì những sai sót nhỏ như quên, mất chứng từ, điền sai thông tin,…
Chỉ cần những lỗi nhỏ, bạn có thể mất đến mấy tháng lương không chừng, mà lỗi do mình thì công ty sẽ không có hỗ trợ gì cả.
7. Áp lực công việc
Vì tốc độ, thời gian là những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến việc giao nhận hàng hóa nên áp lực công cho những người làm công việc này cực cao. Nào là thời gian cam kết với khách hàng, thời hạn lưu bãi, hẹn với nhà kho chuẩn bị xe nâng, dỡ hàng,…
Thời gian gấp rút nhưng hàng hóa phải đúng hạn do vậy áp lực càng cao, nên người giao nhận luôn phải nhịn, chịu áp lực để làm việc tiếp.
8. Thời gian làm việc không cố định
Nhân viên giao nhận hàng hóa thì ít khi có khái niệm giờ hành chính, chủ yếu khi nào xong việc thì mới được về. Có những hôm hàng về sớm, thủ tục xong xuôi thì tầm chiều là xong, nhưng có những hôm đến 8-9h thậm chí là 12h.
Nghề này có rất nhiều khó khăn, vui thì vui, nhưng cực thì rất cực, do vậy, khi xác định làm nghề này, bạn phải xác định trước công tác tinh thần tránh lựa chọn ngay từ khi mới bắt đầu.
Hải Quan Việt Nam hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!