Cùng Hải quan Việt Nam tìm hiểu về hình thức nhập khẩu hàng hóa tại chỗ qua bài viết dưới đây nhé!
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm:
a) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;
b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
2. Địa điểm làm thủ tục hải quan:
Thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện do người khai hải quan lựa chọn và theo quy định của từng loại hình.
3. Hồ sơ hải quan
– Tờ khai xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ (do người xuất khẩu khai): 04 bản chính.
– Hợp đồng mua bán ngoại thương có địa chỉ giao hàng tại Việt Nam (đối với người xuất khẩu), hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (đối với người nhập khẩu): 01 bản sao.
– Hoá đơn giá trị gia tăng do doanh nghiệp xuất khẩu lập (liên giao khách hàng): 01 bản sao.
– Các giấy tờ khai theo quy định đối với hàng xuất khẩu/nhập khẩu (trừ B/L).
Trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính thay cho hóa đơn thương mại.
4. Thời hạn làm thủ tục hải quan
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu và sau khi hoàn thành việc giao nhận hàng hóa, người nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan.
5. Quy trình xuất nhập khẩu tại chỗ:
Bước 1: Doanh nghiệp xuất khẩu khai hải quan:
– Trên cơ sở hợp đồng ký với thương nhân nước ngoài có chỉ định giao hàng tại Việt Nam, kê khai đầy đủ các tiêu chí giành cho doanh nghiệp xuất khẩu trên cả 04 tờ khai. Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được giám đốc doanh nghiệp uỷ quyền ký tên, đóng dấu;
– Giao 04 tờ khai hải quan và hoá đơn giá trị gia tăng (liên giao khách hàng) cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Bước 2: Làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ:
a) Doanh nghiệp nhập khẩu:
– Sau khi đã nhận đủ 04 tờ khai hải quan (đã được doanh nghiệp xuất khẩu kê khai, xác nhận, ký, đóng dấu) và hoá đơn giá trị gia tăng (liên giao khách hàng) trên hoá đơn này ghi rõ tên thương nhân nước ngoài, tên doanh nghiệp nhập khẩu, địa điểm giao hàng tại Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu khai đầy đủ các tiêu chí giành cho doanh nghiệp này trên cả 04 tờ khai hải quan;
– Nộp hồ sơ hải quan và mẫu hàng hoá nhập khẩu tại chỗ (đối với hàng nhập khẩu tại chỗ làm nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu) cho Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu để đăng ký làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ theo quy định, phù hợp với từng loại hình (ví dụ: nếu hàng nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu thì làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu; nếu hàng nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu gia công thì làm thủ tục theo loại hình gia công);
– Sau khi làm xong thủ tục nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp nhập khẩu lưu 01 tờ khai; 02 tờ khai còn lại chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu.
b) Hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ:
– Tiếp nhận 04 tờ khai xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ và các chứng từ khác của hồ sơ hải quan nhập khẩu tại chỗ; tiến hành các bước đăng ký tờ khai theo quy định phù hợp với từng loại hình, kiểm tra tính thuế (đối với hàng có thuế) theo quy định hiện hành đối với hàng nhập khẩu. Trị giá tính thuế hàng nhập khẩu tại chỗ là giá bán thực tế ghi trên hoá đơn thương mại của thương nhân nước ngoài phát hành cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ ở Việt nam. Niêm phong mẫu (nếu có) giao doanh nghiệp tự bảo quản để xuất trình cho cơ quan Hải quan khi có yêu cầu.
– Tiến hành kiểm tra hàng hoá hoặc chứng từ nhập kho hàng hoá của doanh nghiệp nhập khẩu khi có nghi vấn việc giao nhận hàng hoá không đúng khai báo, giao nhận khống. Lập biên bản kiểm tra; tiến hành xử lý theo quy định pháp luật nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm.
– Xác nhận đã làm thủ tục hải quan, ký tên và đóng dấu công chức vào cả 04 tờ khai.
– Lưu 01 tờ khai và chứng từ doanh nghiệp phải nộp, trả lại cho doanh nghiệp nhập khẩu 03 tờ khai và các chứng từ doanh nghiệp xuất trình.
– Có văn bản thông báo cho Cục thuế địa phương nơi theo dõi thuế của doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ biết để theo dõi (mẫu 05-TBXNKTC/2010 ban hành kèm theo Thông tư 194/2010/TT-BTC) hoặc thông báo gửi qua mạng máy tính nếu giữa Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu và Cục Thuế địa phương đã nối mạng.
Bước 3: Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ:
a) Doanh nghiệp xuất khẩu:
– Sau khi nhận được 02 tờ khai xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ đã có đủ khai báo, chữ ký, đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu và Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ hải quan cho Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu cho doanh nghiệp để làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ.
b) Hải quan làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ:
– Tiếp nhận 02 tờ khai hải quan (đã có đầy đủ khai báo, xác nhận, ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu và Hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ) và các chứng từ khác của hồ sơ hải quan xuất khẩu tại chỗ.
– Tiến hành các bước đăng ký tờ khai theo quy định, phù hợp từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm tra tính thuế (nếu có). Xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan, ký, đóng dấu công chức vào tờ khai hải quan .
– Lưu 01 tờ khai cùng các chứng từ doanh nghiệp nộp, trả doanh nghiệp 01 tờ khai và các chứng từ do doanh nghiệp xuất trình.