Hỏi: Tôi dự định nhập khẩu sữa tắm từ Nhật về Việt Nam bằng đường biển. Chúng tôi chưa biết thủ tục nhập khẩu và quy trình ra sao. Xin tư vấn thủ tục nhập khẩu sữa tắm giúp chúng tôi. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn câu hỏi của bạn, mặt hàng sữa tắm công ty bạn đang dự định nhập được coi là mỹ phẩm. Bạn đọc chi tiết các thông tin hướng dẫn sau:
1. Thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm: Trước khi nhập khẩu phải làm công bố
Mỹ phẩm là mặt hàng đặc thù, chịu sự quản lý của Cục Quản Lý Dược – Bộ Y Tế. Do vậy, trước khi nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam, Doanh nghiệp cần phải làm: Công bố mỹ phẩm theo thông tư 06/2011/TT-BYT. Phiếu công bố này có giá trị 5 năm kể từ ngày được cấp phiếu công bố như form mẫu dưới đây:
Công bố mỹ phẩm là gì? Hồ sơ công bố mỹ phẩm cần những gì? Phía Doanh nghiệp có thể tìm hiểu tại bài này
Vậy bạn cần nhớ nhé, mặt hàng sữa tắm cần phải làm công bố mỹ phẩm trước khi nhập hàng về Việt Nam.
2. Thủ tục nhập khẩu sữa tắm: HS code và thuế nhập khẩu
Mã HS (HS code) của sữa tắm, HS code dầu tắm gội toàn thân là 34013000. Thuế nhập khẩu ưu đãi là 27%, Thuế nhập khẩu sữa tắm từ Hàn Quốc, sử dụng CO form AK là 20%; Thuế nhập khẩu sữa tắm từ Thái Lan, khối Asean sử dụng C/O form D là 0%; Thuế nhập khẩu sữa tắm từ Nhật sử dụng CO FORM AJ là 13%. Mặt hàng sữa tắm có thuế giá trị gia tăng 10%.
Phân tích cụ thể, theo Tổng cục Hải quan; theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC và tham khảo Chú giải chi tiết HS các nhóm 33.07, 34.01, 34.02.
Theo đó, mặt hàng sữa tắm, dầu tắm gội toàn thân là các chế phẩm dùng làm sạch da; trong đó thành phần hoạt tính bao gồm toàn bộ hoặc một phần chất hữu cơ hoạt động bề mặt tổng hợp (mà có thể chứa xà phòng với một tỷ lệ bất kỳ); ở dạng lỏng hoặc kem và đã được đóng gói để bán lẻ thì thuộc nhóm 34.01; mã số 3401.30.00 “- các sản phẩm và chế phẩm hữu cơ hoạt động bề mặt dùng để làm sạch da, ở dạng lỏng hoặc dạng kem và đã đã được đóng gói để bán lẻ; có hoặc không chứa xà phòng” (thuế suất thuế NK 27%).
Các chế phẩm tương tự nhưng chưa được đóng gói để bán lẻ thì thuộc nhóm 34.02.
3. Thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm: Làm thủ tục hải quan
Sau khi có công bố mỹ phẩm cho mặt hàng sữa rửa tắm, hàng hóa cập cảng, hoặc sân bay. Doanh nghiệp khai báo hải quan điện tử. Thông thường hàng mỹ phẩm hay bị kiểm hóa để đối chiếu hàng thực tế so với công bố mỹ phẩm có khớp nhau hay không.
Lưu ý khi sử dụng công bố mỹ phẩm làm thủ tục hải quan:
Thành phần của sản phẩm thay đổi theo tháng, năm. Trước mỗi một lô hàng mới, doanh nghiệp cần kiểm tra lại thành phần sản phẩm có thay đổi không? Nếu có sự thay đổi, cần làm công bố mỹ phẩm mới cho sản phẩm. Tránh trường hợp, khi hàng cập cảng, hải quan đề xuất mở container kiểm hóa.
Nếu thành phần trên nhãn gốc của sản phẩm không khớp trên công bố. Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính từ 30 đến 50 triệu đồng và trong vòng 30 ngày kể từ ngày xử phạt, Doanh nghiệp phải bổ sung được công bố mới. Nếu quá 30 ngày, Doanh nghiệp không xuất trình được công bố mới, hải quan sẽ tiến hành thủ tục tái xuất lô hàng.
Hồ sơ làm thủ tục hải quan gồm có:
- Invoice, packing list: Bản chụp (ký, đóng dấu, chức danh và không đóng dấu: Sao y bản chính)
- Bill (Vận đơn): Original bill, hoặc telex bill, surrender bill (bản chụp)
- Hóa đơn cước biển và Hóa đơn CIC tại cảng Hải Phòng, Cát Lái: trong trường hợp mua giá FOB
- Hóa đơn phụ phí tại cảng xuất: Trường hợp mua giá Exw
- Phiếu tiếp nhận công bố mỹ phẩm: Bản chụp, trường hợp công bố làm từ tháng 1/2016. Các trường hợp công bố từ năm 2012, 2013; Doanh nghiệp cần xuất trình phiếu công bố mỹ phẩm gốc và bản chụp để cán bộ hải quan kiểm tra tính xác thực của hồ sơ. Từ 2016, thực hiện công bố mỹ phẩm online nên doanh nghiệp xuất trình bản chụp. Trong trường hợp cần thiết, cán bộ hải quan sẽ yêu cầu cung cấp ID và password để đăng nhập vào hệ thống 1 cửa và kiểm tra bản gốc trên hệ thống.
Đó là những giấy tờ cần thiết nhất để làm thủ tục hải quan. Sau khi xuất trình đầy đủ hồ sơ; hải quan sẽ kiểm tra và thông quan tờ khai ngay tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Trường hợp giá khai báo quá thấp; Doanh nghiệp sẽ có thể bị yêu cầu đi tham vấn giá; hoặc chuyển hồ sơ sau thông quan. Chi tiết hơn, Doanh nghiệp liên hệ với chúng tôi để nhận được sự tư vấn chính xác nhất.
Trên đây là 1 số vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý đến thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm trước và sau khi nhập khẩu. Hi vọng với những thông tin trên đây, doanh nghiệp có thể hiểu rõ về thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm nói chung và cụ thể là sữa tắm (shower).
Mọi thông tin xin Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để đảm bảo lô hàng được thông quan nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất.