Với những thực vật xuất nhập khẩu việc kiểm dịch là rất cần thiết để tránh được mầm bệnh lây lan giữa trong nước với nước ngoài và ngược lại. Vậy quy trình kiểm dịch thực vật xuất khẩu ra sao, mời bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Kiểm dịch thực vật là gì?
Hoạt động Kiểm dịch thực vật (tiếng Anh là Phytosanitary) là công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn những loài sâu, bệnh, cỏ dại nguy hiểm lây lan giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với nước ngoài.
Nếu bạn làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hoặc giao nhận vận tải, dịch vụ hải quan thì chắc hẳn sẽ có lúc bắt gặp loại thủ tục giấy tờ này bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp.
Với hàng nhập khẩu có liên quan hoặc có nguồn gốc thực vật, kiểm dịch là để đảm bảo không cho mầm bệnh theo hàng hóa nhập khẩu đi vào nước ta. Còn đối với hàng xuất khẩu, công việc cũng tương tự, nhưng là để chứng minh hàng đảm bảo điều kiện về kiểm dịch và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu ra nước ngoài.
Các hoạt động Kiểm dịch động thực vật đều thuộc loại Kiểm tra chất lượng Nhà nước bắt buộc với một số mặt hàng khi làm thủ tục hải quan. Vậy thì…
Mặt hàng nào phải kiểm dịch thực vật?
Đó chính là hàng hóa có nguồn gốc thực vật như cây và bộ phận của cây, các sản phẩm từ thực vật (nông sản, gỗ, thức ăn chăn nuôi…) sẽ phải làm kiểm dịch trước khi đưa vào sử dụng.
Để biết chính xác Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch, bạn search:
Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 09 năm 2014. Thông tư này thay thế Thông tư số 39/2012/TT-BNNPTNT áp dụng ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; và Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT áp dụng ngày 15 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
>> Tìm hiểu thêm: Dịch vụ vận chuyển hàng hóa uy tín tại Việt Nam
Quy trình làm kiểm dịch thực vật
Để hiểu rõ hơn về quy trình kiểm dịch thực vật, bạn có thể tra cứu quy trình này trong thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (thay thế Thông tư 65/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2012).
Quy trình kiểm dịch sẽ có sự khác nhau ít nhiều tùy theo từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, Thông tư trên nêu khá chi tiết và rõ ràng các bước tiến hành, cũng như hồ sơ phải nộp để thực hiện việc kiểm dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Lưu ý: Đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký kiểm dịch tại Trung tâm KDTV vùng 02, bạn phải khai báo thông tin đăng ký kiểm dịch thực vật online và bạn có thể tham khảo một vài hướng dẫn bên dưới:
Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT quy định về trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu như sau:
Bước 1: Đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
Chủ vật thể nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký choc ơ quan kiểm dịch thực vật xuất khẩu nơi gần nhất
Hồ sơ gồm:
+ Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT).
+ Bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (trong trường hợp tái xuất khẩu).
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
Bước 3: Kiểm tra vật thể
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:
+ Kiểm tra sơ bộ
Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.
+ Kiểm tra chi tiết
Kiểm tra bên trong và lấy mẫu lô hàng theo quy định tại QCVN 01-141:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật; thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại; phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
+ Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tái xuất khẩu cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu
Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.
+ Trường hợp phát hiện lô vật thể không đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thì Cơ quan kiểm dịch thực vật không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đồng thời phải thông báo cho chủ vật thể biết.
Mong kiến thức xuất nhập khẩu này có thể giúp ích cho các bạn. Nếu còn gì thắc mắc, hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi nhé!