Vai trò của công tác vận tải hàng không đối với việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Vai trò của công tác vận tải hàng không đối với việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Cùng với giao thông vận tải nói chung, vận tải hàng không là cơ sở hạ tầng trọng yếu của đất nước, là huyết mạch của mỗi quốc gia. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có vận tải hàng không phải đi trước một bước, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng.

1.Hàng không – ngành kinh tế có vai trò quan trọng đặc biệt

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã ghi rõ: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Trong bối cảnh Nhà nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, vận tải hàng không ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Với xu hướng toàn cầu hóa việc giao thương đã được mở rộng ra khắp thế giới. Các hợp đồng mua bán quốc tế ngày càng nhiều hơn. Hệ thống giao thông bằng đường hàng không đã giúp đáp ứng tốt xu thế tất yếu của quá trình hội nhập và phát triển du lịch. Giao thông vận tải hàng không làm cho các ngành kinh tế trên thế giới có sự gắn kết và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhờ có ngành hàng không mà việc cung ứng vật tư kỹ thuật, nguyên liệu, năng lượng… cho các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước diễn ra liên tục, nhanh chóng.

Vận tải hàng không đã làm cho việc giao thông đi lại giữa các vùng, các địa phương thuận tiện. Nếu như trước kia địa hình và khoảng cách gây khó khăn, cản trở đến việc đi lại, thì giờ đây sự phát triển của ngành hàng không đã làm cho việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, nhanh chóng hơn, kinh tế các địa phương phát triển, đời sống thu nhập của bà con các vùng miền được cải thiện, đời sống văn hóa của nhân dân các địa phương trở nên sôi động hơn. Vận tải hàng không đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Với những ưu điểm riêng của mình, vận tải hàng không ngày nay còn có vai trò, đóng góp quan trọng vào làm trong sạch môi trường trái đất thông qua việc giảm tiếng ồn và khí thải trong không gian.

Ý nghĩa của hệ thống giao thông vận tải bằng đường hàng không đối với quốc phòng cũng thật rõ ràng vì mọi hoạt động tác chiến, hậu cần liên quan đến việc khắc phục hậu quả bão lụt cũng như các hoạt động bảo đảm an ninh biên giới đều không thể tách rời khỏi giao thông vận tải. Sự phát triển của ngành hàng không đã đóng góp to lớn trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng và đảm bảo an ninh quốc gia.

Trong tiến trình phát triển đất nước hội nhập và mở cửa những năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu về các mặt. Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Trong 35 năm đổi mới đất nước, ngành hàng không Việt Nam là một trong những lĩnh vực đi đầu, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong con mắt bạn bè quốc tế. Từ năm 2009 tới năm 2019, tăng trưởng về hành khách đạt trên 17%, về hàng hóa đạt gần 14%. Sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Đội tàu bay tăng 3,5 lần. Mạng đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần. Hàng không Việt Nam đã bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối không có tai nạn về người, đây là điểm quan trọng rất ít ngành hàng không thế giới đạt được.

2.Hàng không Việt Nam trong cơn bão dịch Covid-19

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội được áp dụng cùng với việc đóng cửa biên giới của các quốc gia, thì hàng không là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó khi con số thiệt hại được dự báo ngày càng tăng thêm, các doanh nghiệp hàng không rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực.

Theo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường ngành hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Đợt dịch Covid-19 lần 3 bùng phát dịp Tết Nguyên đán năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, dự báo phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo những tháng đầu năm 2021 số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng. Hiện nay số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, Tổng công ty này đang trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng đã dồn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng.

Do dừng bay, nên gánh nặng chi phí phải trả, hàng ngày hàng giờ đè nặng các hãng hàng không. Một số hãng phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, bến bãi, duy trì bộ máy, trả lương nhân viên.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, sản lượng khách toàn thế giới năm 2021 chỉ bằng 33% so với năm 2019. Mức lỗ của các hãng hàng không ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp đôi so dự báo hồi tháng 12/2020. Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không sẽ chưa mấy sáng sủa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2021, Hiệp hội các hãng hàng không Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ tài chính trị giá 25.000 tỉ đồng, bao gồm cả tín dụng ngắn hạn và dài hạn để giúp các hãng sớm phục hồi. Hiệp hội cũng đề xuất cần nghiên cứu hình thành các nhóm công tác liên ngành của Chính phủ để giải quyết những kiến nghị của ngành hàng không.

Theo Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, cập nhật ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Hãng cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 10.000 nhân sự, giảm lương toàn bộ lao động, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.

3.Những giải pháp cứu trợ ngành hàng không

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhằm giải cứu ngành hàng không thoát khỏi bờ vực phá sản, trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp như miễn giảm nhiều loại thuế, lệ phí, giãn nợ, tạo nhiều điều kiện hỗ trợ về đầu tư và xuất nhập khẩu, đặc biệt là đã giải quyết gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường, các biện pháp hỗ trợ ngành hàng không cần được tiếp tục bổ sung theo hướng cơ bản và dài hạn hơn, bảo đảm tạo điều kiện để các doanh nghiệp hàng không Việt Nam không những có thể vượt qua đại dịch mà sau đại dịch có thể vực dậy nhanh chóng, đủ khả năng tiếp tục cạnh tranh với các hãng hàng không trên thế giới.

Với những tinh thần nêu trên, các doanh nghiệp hàng không cần được Nhà nước tạo điều kiện tháo gỡ theo những hướng sau đây:

Một là, tiếp tục kéo dài hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp hàng không dưới các hình thức thuế, tín dụng ưu đãi, phí, lệ phí, bảo lãnh, giãn nợ và các ưu đãi khác trên tinh thần không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đây là tinh thần cần được nhấn mạnh nhằm thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề kinh tế tư nhân mà Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định rõ.

Hai là, hoàn thiện chính sách giá vé hàng không phù hợp hơn với điều kiện kinh tế thị trường rất linh hoạt hiện nay, bảo đảm bù đắp đủ chi phí kinh doanh và có tích lũy hợp lý, tạo điều kiện để các hãng có cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh, đồng thời có những quy định ngăn chặn có hiệu quả những khuynh hướng phá giá thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, gây hậu quả lâu dài.

Ba là, có chính sách thu hút hơn nữa vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực hàng không nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Rất nhiều cảng hàng không sân bay hiện nay cần đầu tư mở rộng quy mô, nhưng vốn ngân sách Nhà nước có hạn, cần có sự đổi mới tư duy và cơ chế thông thoáng.

Bốn là, sớm ban hành “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đảm bảo hệ thống cảng hàng không, sân bay được tính toán dựa trên các tiêu chí phù hợp cũng như đảm bảo kết nối có hiệu quả hệ thống cảng hàng không với các loại hình phương tiện giao thông khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm thiểu tình trạng quá tải ách tắc ở một số cảng hàng không sân bay như hiện nay.

Năm là, hoàn thiện Quy chế tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp hàng không, nhất là đối với những công ty có phần vốn góp của Nhà nước, bảo đảm phù hợp hơn với đặc thù hàng không và phát huy tốt hơn quyền tự chủ của doanh nghiệp trong giai đoạn mới, bảo đảm xử lý nhanh những tình huống cần thiết cấp bách, không bị lúng túng, bị động.

Đỗ Nguyên Khoát

GS.TSKH, Ủy viên Hội đồng tư vấn về kinh tế, UBTW MTTQ Việt Nam

Về WorldCourier- công ty vận tải hàng không chuyên nghiệp, uy tín

worldcourier

WorldCourier chuyên cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế và nội địa nhanh chóng, uy tín, chất lượng cao. Sứ mệnh của chúng tôi là đem đến sự hài lòng cho quý khách.

Chúng tôi tự tin cung cấp các dịch vụ chuyển phát nhanh đa dạng mặt hàng với thời gian vận chuyển nhanh chóng, uy tín và giá rẻ nhất hiện nay.

Hệ thống đối tác rộng lớn: 

  • Các hãng Forwarder: Indochinapost, ViettelCargo.com, UPSVietnam, DHLVietnam, FedExVietnam,..
  • Các hãng hàng không: American Airlines, United Airlines, Cathay Pacific,….

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu quý khách còn bất kỳ thắc mắc nào, đội ngũ nhân viên tư vấn của WorldCourier sẽ hỗ trợ và tư vấn quý khách hết mình!!!

>>Xem thêm

Các hãng hàng không đang khai thác tại kho SCSC

Rate this post
huyenmy

Recent Posts

Dịch vụ xin cấp C/O – giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Khái niệm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là một chứng từ quan…

1 năm ago

DỊCH VỤ KHAI BÁO HẢI QUAN NHANH CHÓNG, UY TÍN

Dịch vụ khai báo hải quan là một khâu chính trong việc đảm bảo hàng…

1 năm ago

DỊCH VỤ HẢI QUAN TẠI NỘI BÀI

Dịch vụ hải quan tại Nội Bài - cho khách hàng công ty Bạn muốn…

1 năm ago

RA MẮT GIAO DIỆN MỚI TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ HẢI QUAN ONLINE

Ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Hải Quan Online Sáng 14/6, tại…

1 năm ago

INCOTERMS LÀ GÌ? INCOTERMS 2020 LÀ GÌ?

Khái niệm Incoterms (viết tắt của International Commerce Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là…

1 năm ago

Hóa đơn thương mại – những thông tin cần biết năm 2022

1. Hóa đơn thương mại - những thông tin cần biết năm 2022 Commercial invoice hay…

2 năm ago