Categories: Tin Tức

Xuất khẩu gỗ và lâm sản tự tin đạt mục tiêu 15 tỷ USD năm 2021

Dù mới là quý đầu tiên của năm 2021, nhưng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tự tin đạt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản tự tin đạt mục tiêu 15 tỷ USD năm 2021

PV: Ông đánh giá như thế nào về ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2021?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Năm 2020 kết thúc với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, đặc biệt, đại dịch Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến ngành công nghiệp này cũng như đối với nền kinh tế của chúng ta.

Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt con số 13,23 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước. Đây có thể nói là một nỗ lực vô cùng lớn, trước hết là của các doanh nghiệp, các hiệp hội, sự đồng hành của Chính phủ trong việc khắc phục, thích nghi với những biến đổi mới của thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong việc duy trì thị trường, bán sản phẩm thông qua các mạng, không chỉ ở các mạng internet kết nối trong nước mà còn kết nối quốc tế.

Trong năm 2021, khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng như những vấn đề của thị trường vẫn còn nguyên vẹn. Việc ngành hàng này tăng trưởng ở mức rất cao, rất nhanh thì việc các thị trường lớn quan tâm đến yêu cầu về bảo đảm chất lượng, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại, từ đó, áp dụng các biện pháp thuế quan và các biện pháp thương mại khác vẫn luôn tiềm ẩn ở phía trước.

Nhận thức rõ vấn đề này, cùng với kinh nghiệm với bản lĩnh mà chúng ta đã vượt qua năm 2020, cùng với sự đánh giá sâu sát, nhạy bén hơn với tình hình trong năm 2021, và quyết tâm của các doanh nghiệp, các hiệp hội, chúng tôi vẫn đặt mục đạt kim ngạch xuất khẩu của ngành này không thấp hơn 15 tỷ USD. Tức là ở mức tăng trưởng giá trị tuyệt đối tương đương với năm 2020 và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tăng lên khoảng 14 – 15% so với 2020. Đặc biệt, về khả năng quản trị, đầu tư và tái cơ cấu của doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đạt được mục tiêu này và có khả năng đạt được con số cao hơn.

PV: Để đạt được mục tiêu đặt ra, theo ông cần giải quyết những tồn tại gì?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Để đạt được mục tiêu đặt ra, tôi cho rằng, chúng ta phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu. Theo đó, vấn đề nhập khẩu nguồn gốc gỗ phải được tuân thủ nghiêm ngặt và phải kiểm soát rất chặt chẽ để bảo đảm nguồn gốc gỗ về chúng ta phải là hợp pháp. Cùng với đó, nâng cao chứng chỉ rừng bền vững trong nước.

Về phía doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn. Thiết lập các chương trình thị trường số, chỉ có như vậy chúng ta mới kết nối được với thế giới và kết nối ngay với các doanh nghiệp ở trong nước. Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị, theo dõi cả chuỗi chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp.

Ngoài cơ chế chung, Nhà nước cần có cơ chế rất cụ thể. Hiện, năng lực đầu tư của các doanh nghiệp ngành gỗ về tài chính, nguồn nhân lực có thể mở rộng rất nhanh, nhưng họ cần quỹ đất tạo thành các khu công nghiệp, gắn với logistics. Logistics hiện nay chúng ta cũng đang rất vướng mắc. Cùng với đó là các vấn đề về giao thông, điện gắn với cảng biển. Phải có những ưu đãi về tiền thuê đất. Các doanh nghiệp không thể thuê đất để làm ngành chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản với giá ngang với ngành công nghệ kỹ thuật cao. Phải có cơ chế ưu đãi từng bước.

PV: Quý I năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 3,944 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,699 tỷ USD, tăng 41,5 %; lâm sản ngoài gỗ đạt 243 triệu USD, tăng 38,4 %. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các con số này vẫn ẩn chứa các khía cạnh chưa bền vững. Theo ông, rủi ro nào đáng quan tâm nhất trong năm 2021 này?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Ngành gỗ đang chứng kiến nguyên lý chung, đó là khi càng phát triển thì rủi ro càng cao. Thuyền cả thì bao giờ cũng sóng lớn. Hiện, ngành gỗ đã xuất khẩu đứng thứ 2 châu Á, kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu rất nhanh 16-– 17% mỗi năm. Năm 2021, chúng ta đang đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD là rất đáng kể và mơ ước của nhiều quốc gia. Kèm theo đó, rủi ro sẽ tăng cao hơn. Trong đó, rủi ro lớn nhất là rủi ro về thị trường. Tuy nhiên, tất cả các quy định về truy xuất nguồn gốc hoặc chất lượng sản phẩm là xu thế chung, chúng ta phải chấp hành và cũng không sợ chuyện này.

Riêng với thị trường Hoa Kỳ, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường này đạt được kim ngạch xuất khẩu Hoa Kỳ 7,412 tỷ USD, tăng 34,7% so với năm 2019. Ngay quý I-2021, tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường này vẫn rất cao, 36 – 37%, nếu thị trường này có vấn đề, khó khăn, bên cạnh việc từng doanh nghiệp, từng hiệp hội phải chấp hành pháp luật, quy định của hai bên. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước là quan trọng hàng đầu trong việc quan hệ nhiều mặt để duy trì bằng được thị trường này.

Đây là những vấn đề rất lớn mà chúng ta cần tập trung giải quyết để đạt kỳ vọng như Thủ tướng đã chỉ đạo đến năm 2025, ngành hàng này đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD.

Tôi nghĩ rằng, nếu năm 2021 nếu chúng ta đạt kim ngạch xuất khẩu 15 tỷ USD, thì chỉ quyết tâm cao và có thị trường, với nội lực như hiện nay, cũng không phải chờ đến năm 2025 chúng ta mới đạt được mục tiêu rất kỳ vọng mà Chính phủ đặt ra là 20 tỷ USD.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 3-2021 ước đạt 1,524 tỷ USD. Lũy kế ba tháng, ước đạt 3,944 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,699 tỷ USD, tăng 41,5 %; lâm sản ngoài gỗ đạt 243 triệu USD, tăng 38,4 %. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc hiện nay chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Theo nhandan.com.vn

4.7/5 - (1500 bình chọn)
indochinapost

Recent Posts

Dịch vụ xin cấp C/O – giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Khái niệm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là một chứng từ quan…

2 năm ago

DỊCH VỤ KHAI BÁO HẢI QUAN NHANH CHÓNG, UY TÍN

Dịch vụ khai báo hải quan là một khâu chính trong việc đảm bảo hàng…

2 năm ago

DỊCH VỤ HẢI QUAN TẠI NỘI BÀI

Dịch vụ hải quan tại Nội Bài - cho khách hàng công ty Bạn muốn…

2 năm ago

RA MẮT GIAO DIỆN MỚI TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ HẢI QUAN ONLINE

Ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Hải Quan Online Sáng 14/6, tại…

2 năm ago

INCOTERMS LÀ GÌ? INCOTERMS 2020 LÀ GÌ?

Khái niệm Incoterms (viết tắt của International Commerce Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là…

2 năm ago

Hóa đơn thương mại – những thông tin cần biết năm 2022

1. Hóa đơn thương mại - những thông tin cần biết năm 2022 Commercial invoice hay…

2 năm ago