9 bước làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa
Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn. Nhập khẩu phát triển bởi nhu cầu và thị hiếu của người dân vô cùng đa dạng. Đôi khi, các doanh nghiệp khan hiếm nguồn nguyên liệu sản xuất cũng cần đến nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nhưng chưa nắm rõ các thủ tục, các giấy tờ. Có nhiều hình thức nhập khẩu khác nhau như nhập khẩu trực tiếp hay ủy thác, nhập khẩu buôn bán đối lưu, tạm nhập tái xuất, nhập khẩu gia công…Mỗi loại sẽ có thủ tục nhập khẩu hàng hóa khác nhau. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập cụ thể về các bước làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo loại hình kinh doanh.
Bước 1: Xác định loại hàng hóa nhập khẩu
- Hàng thương mại thông thường: đây là những lô hàng đủ điều kiện để tiến hành làm thủ tục nhập khẩu thông thường.
- Hàng bị cấm: Nếu không may hàng nhập khẩu nằm trong danh sách các mặt hàng bị cấm nhập khẩu thì bắt buộc phải dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu mặt hàng này để tránh những vướng mắc về mặt pháp lí. Kiểm tra xem hàng hóa dự kiến nhập khẩu có phải là hàng cấm hay không tại PHỤ LỤC – Nghị định 187/2013/NĐ-CP
- Hàng phải xin giấy phép nhập khẩu: Nghị định 187/2013/NĐ-CP đã quy định rõ những mặt hàng phải xin giấy phép nhập khẩu. Lúc này cần hoàn tất các thủ tục trước khi hàng về cảng. Nếu chậm trễ việc xin giấy phép sẽ khiến hàng hóa bị tồn đọng lại cảng, khiến phát sinh thêm nhiều chi phí (thuê container, thuê kho,,,).
- Hàng cần công bố hợp chuẩn hợp quy: Doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố hợp quy trước khi hàng được đưa về cảng. Quy trình làm công bố hợp quy cho lô hàng đã được quy định rõ tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN. Các loại hàng hóa trong nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn) thường buộc phải công bố hợp quy. Còn lại các hàng hóa bình thường khác thì việc công bố hợp chuẩn, hợp quy sẽ mang tính tự nguyện.
- Hàng cần kiểm tra chuyên ngành: Hàng hóa sẽ được tiến hành kiểm tra sau khi hàng đã cập cảng. Cơ quan chức năng sẽ lấy một số mẫu hàng rồi tiến hàng kiểm tra xem có đủ tiêu chuẩn hay không. Sau khi có kết quả, doanh nghiệp sẽ tiến hành các công đoạn làm thủ tục còn lại.
Bước 2: Ký hợp đồng ngoại thương
Trong quy trình thủ tục nhập khẩu hàng hoá, hợp đồng ngoại thương (Sale Contract) là hợp đồng thể hiện giao dịch của 2 bên. Giấy tờ này thường sẽ được yêu cầu trong tất cả các bộ hồ sơ xuyên suốt quá trình thông quan hàng hoá.
Một số thông tin không thể thiếu trong hợp đồng ngoại thương bao goofmL Tên hàng hóa, số lượng – trọng lượng, quy cách, giá cả, cách đóng gói….
Bên cạnh đó là một số điều kiện nêu trong hợp đồng: điều kiện giao hàng, thời gian giao hàng, thời hạn và phương thức thanh toán, các loại chứng từ cần thiết, các thỏa thuận khác….
Bước 3: Kiểm tra toàn bộ chứng từ hàng hóa
Để hoàn tất thủ tục nhập khẩu một lô hàng, doanh nghiệp cần chuẩn bị bộ chứng từ với đầy đủ các giấy tờ sau:
- Hợp đồng thương mại (Sale Contract).
- Vận đơn lô hàng (Bill of Landing).
- Hoá đơn thương mại (Commercial Invoice).
- Phiếu đóng gói hàng hoá (Packing List).
- Giấy chứng nhận xuất xứ lô hàng (C/O).
- Các giấy tờ liên quan khác.
Bước 4: Đăng kí kiểm tra chuyên ngành (nếu có)
Nếu hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành thì nên tiến hành đăng kí trước để tránh việc mất thời gian chờ đợi khi hàng về cảng. Sau khi nhận được Arrival Notice (giấy thông báo hàng đến), doanh nghiệp cần đăng kí kiểm tra chuyên ngành. Thông thường trước khi tàu đến cảng 1 – 2 ngày doanh nghiệp sẽ nhận được giấy này từ hãng vận chuyển.
Nếu hàng không nằm trong danh sách yêu cầu kiểm tra chuyên ngành thì bỏ qua bước này và tiến hành bước tiếp theo.
Bước 5: Khai và truyền tờ khai hải quan
Sau khi hãng vận chuyển gửi giấy thông báo hàng đến, doanh nghiệp cần tiến hành lên tờ khai hải quan. Để thực hiện bước này thì yêu cầu là doanh nghiệp đã có chữ ký số và đăng ký chữ số đó với Tổng cục Hảo quan Việt Nam. Ngoài ra, việc khai tờ khai hải quan có thể được thực hiện trực tiếp trên hệ thống VNACCS của tổng cục Hải quan hoàn toàn miễn phí. Nhưng thông thường các doanh nghiệp hiện nay thường mua phần mềm khai báo hải quan từ các công ty tin học uy tín đã được xác nhận hợp chuẩn vì việc sử dụng có vẻ dễ hơn và tiện lợi hơn.
Doanh nghiệp cần điền đầy đủ thông tin trên tờ khai như mã cảng, mã loại hình, mã hải quan…và nhiều thông tin chi tiết khác. Do đó bạn cần chuẩn bị thật kỹ và điền đầy đủ thông tin. Nếu chưa có kinh nghiệm, doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ hải quan trọn gói của các bên uy tín để tránh sai sót.
Khi tờ khai hải quan đã hoàn tất, bạn truyền thử tờ khai đi. Nếu thông tin đã được điền đầy đủ, tờ khai ấy sẽ được cấp số. Và lúc này bạn cần thật kỹ lưỡng kiểm tra các thông tin quan trọng một lần nữa như mã loại hình, mã địa điểm lưu kho, mã chi cục hải quan…Bởi nếu sai mục này thì tờ khai sẽ bị hủy và phải thực hiện lại từ đầu.
Bước 6: Lấy lệnh giao hàng
Lệnh giao hàng là Delivery Order (D/O), là một loại chứng từ được phát hành bởi hãng tàu hoặc công ty forwarder. Để lấy lệnh giao hàng D/O, bạn tới hãng vận chuyển và mang theo các loại giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân bản sao.
- Vận đơn bản sao.
- Vận đơn bản gốc đã được lãnh đạo công ty đóng dấu.
- Tiền phí.
Trường hợp hàng nguyên container FCL, cần phải kiểm tra xem còn hạn miễn phí lưu container hay không. Nếu hết hạn bạn cần nộp tiền gia hạn thêm. Thời gian gia hạn là đến lúc dự kiến nhận hàng. Lưu container tại cảng càng lâu thì đồng nghĩa chi phí càng cao. Do đó cần sát sao trong các khâu, làm thủ tục hải quan kỹ lưỡng để tránh bị kéo thời gian.
Bước 7: Chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan
Sau khi tờ khai hải quan được truyền đi, hệ thống sẽ căn cứ vào đó và phân luồng. Lúc này sẽ có 3 trường hợp: luồng xanh, luồng vàng hoặc luồng đỏ.
- Tờ khai luồng xanh: Nếu như là luồng xanh, doanh nghiệp không cần kiểm tra hay làm thủ tục gì thêm. Chỉ cần in tờ khai và hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế là xong.
- Tờ khai luồng vàng: Nếu như rơi vào luồng vàng, đơn vị Hải quan bắt buộc phải kiểm tra hồ sơ giấy của lô hàng. Doanh nghiệp cần cẩn thận trong khâu này, tuyệt đối không được xảy ra sai sót.
- Tờ khai luồng đỏ: Còn nếu như tờ khai luồng đỏ thì chắc chắn hàng phải bị kiểm hoá.
Bước 8: Nộp thuế và hoàn tất thủ tục hải quan
Sau khi tờ khai đã được truyền và thông qua, doanh nghiệp cần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình. Đối với các lô hàng nhập khẩu, doanh nghiệp cần tiến hành nộp 2 loại thuế chính, đó là:
+ Thuế nhập khẩu.
+ Thuế giá trị gia tăng VAT.
Ngoài ra, tuỳ vào một số loại hàng có tính đặc thù, doanh nghiệp còn phải nộp thêm các loại thuế đó là thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bước 9: Làm thủ tục đổi lệnh và chuyển hàng về kho
Đây là bước cuối cùng trong quy trình thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Có hai việc bạn cần chuẩn bị trước:
- Thuê phương tiện chuyên chở đến lấy hàng về.
- Thuê nhà kho hoặc bến bãi để bảo quản lô hàng.
Lưu ý, doanh nghiệp cần chắc chắn rằng lệnh giao hàng vẫn còn hiệu lực, nếu không thì phải làm việc với hãng tàu để tiến hành gia hạn lại. Sau đó, người đại diện doanh nghiệp sẽ đến phòng thương vụ của Cảng để trình các giấy tờ như D/O, giấy giới thiệu của chủ hàng, mã vạch tờ khai hải quan,… Nhân vên sẽ lên hoá đơn và cho bạn thanh toán những khoản phí cần thiết.
Người đại diện chỉ việc nộp phí và nhận phiếu ER tức phiếu giao nhận mà thôi. Sau đó, chỉ việc bốc xếp hàng lên xe và chở về kho bảo quản.
Xem thêm các thông tin tại:
Thủ tục nhập khẩu trái dừa khô
Thủ tục nhập khẩu dụng cụ thể thao
Anh chị cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về dịch vụ trên, vui lòng liên hệ:
Hotline: 0936 257 997
Website: https://haiquanvietnam.net/