Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu năm 2022

Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu năm 2022

1. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu năm 2022

Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary certification) là một trong những chứng từ bắt buộc mà nhà nhập khẩu yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp khi xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản ra nước ngoài. Quy trình đăng kí kiểm dịch thực vật cho hàng xuất khẩu không quá khó tuy nhiên đòi hỏi người thực hiện phải nắm vững quy trình để tránh sai sót, tránh trường hợp hàng hóa đã xuất đi mà không dăng kí thành công chứng thư kiểm dịch thực vật. Hãy cùng Hải Quan Việt Nam tìm hiểu sơ lược quy trình xin cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu thông qua bài viết dưới đây.
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu năm 2022
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu năm 2022

1.1. Kiểm dịch thực vật là gì?

Theo giải thích tại Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013:

Thực vật là cây và sản phẩm của cây.

Kiểm dịch thực vật là hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ.

Đối tượng kiểm dịch thực vật là sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp ở Việt Nam và phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc các vật thể khác có khả năng mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật.

Kiểm dịch thực vật là gì?
Kiểm dịch thực vật là gì?

1.2. Những mặt hàng nào cần phải kiểm dịch thực vật

Không phải bất kỳ mặt hàng nào có nguồn gốc thực vật cũng phải kiểm dịch thực vật. Ở Việt Nam có quy định một số mặt hàng phải bắt buộc thực hiện quy định này khi làm thủ tục hải quan đó là:

1.2.1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

– Thực vật: Bao gồm các loại cây và những bộ phận còn sống của cây.

– Sản phẩm của cây

  • Là các loại rau, củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, rễ, gốc, vỏ cây,…
  • Là các loại tấm, cám, khô dầu, sợi tự nhiên có dạng khô, xơ thực vật.
  • Tinh bột, bột có nguồn gốc từ thực vật.
  • Cọng thuốc lá, thuốc lá sợi, thuốc lào sợi, men thức ăn chăn nuôi, phế liệu bông, rơm rạ, thực vật thủy sinh, bông thô,…
  • Gỗ tròn, gỗ đã xẻ thành ván, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa.
  • Các nguyên liệu được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm với nguồn gốc thực vật.
  • Các giá thể dùng để trồng cây có nguồn gốc thực vật.

– Các loại nấm: Ngoài trừ các loại nấm ở dạng muối, đông lạnh, đóng hộp, nấm men thì các loại nấm còn lại đều phải kiểm dịch thực vật.

– Kén tằm, gốc rũ kén tằm và cánh kiến đều phải thực hiện kiểm dịch đúng quy định.

– Côn trùng, nhện, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, cỏ dại,… thực hiện cho công tác giám định, tập huấn, phòng trừ sinh học và nghiên cứu khoa học đều phải được kiểm dịch.

1.2.2. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu

– Cây và các bộ phận còn sống của cây.

– Củ, quả tươi.

– Cỏ, hạt cỏ.

– Sinh vật được dùng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

– Những vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khác có nguy cơ cao mang theo đối tượng dịch bệnh do Cục Bảo Vệ thực vật xác định và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông Thôn quyết định.

1.2.3. Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được miễn phân tích nguy cơ dịch hại

– Các giống cây trồng được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học.

– Các sinh vật được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học.

– Một số trường hợp đặc biệt do Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn quyết định.

Những mặt hàng nào cần phải kiểm dịch thực vật
Những mặt hàng nào cần phải kiểm dịch thực vật

1.3. Thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu

Theo quy định Điều 31 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trường hợp đã kiểm dịch tại cơ sở sản xuất hoặc nơi xuất phát hoặc nơi bảo quản ở sâu trong nội địa thì chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi đến cửa khẩu cuối cùng để xuất khẩu.

Theo quy định tại Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu như sau:

1.3.1. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu

  • Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này).
  • Bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (trong trường hợp tái xuất khẩu).

1.3.2. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu

Bước 1: Đăng ký kiểm dịch thực vật: Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký cho cơ quan kiểm dịch thực vật nơi gần nhất.

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ: Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

Bước 3: Kiểm tra vật thể

Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm kiểm dịch tại cơ sở sản xuất, nơi xuất phát, nơi bảo quản ở sâu trong nội địa hoặc cửa khẩu xuất và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể.

Việc kiểm tra lô vật thể được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Thông tư này.

Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tái xuất khẩu (Theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này) cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu

Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.

b) Trường hợp phát hiện lô vật thể không đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thì Cơ quan kiểm dịch thực vật không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đồng thời phải thông báo cho chủ vật thể biết.

1.4. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu

Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu
Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu

Theo quy định tại Điều 34 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xử lý trong các trường hợp sau đây:

a) Vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ; vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam;

b) Vật thể phải xử lý để đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu;

c) Vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc.

Biện pháp xử lý bao gồm xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các biện pháp khác.

 

Trên đây là nội dung cơ bản về Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu mà Hải Quan Việt Nam cung cấp đến các bạn. Nếu bạn gặp khó khăn hoặc cần hỗ trợ về Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, hãy liên hệ với chúng tôi. Ngoài ra, Hải quan Việt Nam còn chuyên cung cấp các dịch vụ làm CO, Hải quan,… nhanh chóng, chuyên nghiệp với giá cả hợp lý.

Tham khảo thêm tại đây:

Xin cấp CO uy tín nhất

Rate this post