Hải Quan Giải Đáp Nhiều Kiến Nghị Liên Quan Đến Nghị Định 128/2020/NĐ-CP

15 thuật ngữ tiếng Anh thường dùng trong Xuất Nhập Khẩu

Trước những thắc mắc của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam và Hội các DN Logistics khu vực miền Bắc (gọi tắt là các DN) liên quan đến thực hiện các quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã nhanh chóng có phản hồi để các DN nắm được cụ thể các quy định.

Hải Quan Giải Đáp Nhiều Kiến Nghị Liên Quan Đến Nghị Định 128/2020/NĐ-CP
Hải Quan Giải Đáp Nhiều Kiến Nghị Liên Quan Đến Nghị Định 128/2020/NĐ-CP

Các DN nêu vướng mắc về thời hạn cung cấp thông tin hải quan đối với tàu biển nhập cảnh. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến, tại điểm a khoản 1 Điều 66 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định thời hạn cung cấp thông tin hồ sơ hải quan đối với tàu biển nhập cảnh “Bản khai hàng hóa, thông tin về vận đơn: Chậm nhất là 12 giờ trước khi dự kiến cập cảng đối với tàu biển có hành trình dưới 5 ngày, chậm nhất 24 giờ trước khi dự kiến cập cảng đối với tàu biển có hành trình khác”.

Về quy định tàu biển có hành trình dưới 12 tiếng, cơ quan Hải quan ghi nhận vướng mắc về thời hạn khai báo đối với các phương tiện vận tải có hành trình dưới 12 tiếng để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Kiến nghị của các DN liên quan đến quy định mức phạt phù hợp với hành vi vô ý và cố ý, theo Tổng cục Hải quan, khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Với quy định này, việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện khi cá nhân, tổ chức có lỗi, không phân biệt là lỗi cố ý hay vô ý. Do đó, việc quy định chế tài xử phạt, mức tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc trên, cơ quan Hải quan nhấn mạnh.

Đối với việc áp dụng mức phạt của cá nhân cho tổ chức vi phạm mà các DN nêu vướng mắc, Tổng cục Hải quan cho rằng, khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức. Trong đó, mức phạt tiền quy định tại Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với tổ chức. Việc xác định mức tiền phạt đối với cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo quy định nêu trên.

Do đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, các DN chỉ áp dụng mức tiền phạt của cá nhân tại Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP là trái quy định của pháp luật và không có cơ sở xem xét.

Về vấn đề phân loại hàng hóa và kiến nghị không xử phạt vi phạm hành chính do các DN nêu, theo Tổng cục Hải quan, việc việc không xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rõ tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan2014. Theo đó, tại điểm c, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014 quy định nghĩa vụ của người khai hải quan trong việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình.

Để đảm bảo nghĩa vụ nêu trên của người khai hải quan, Luật Hải quan đã quy định các quyền của người khai hải quan như xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa, sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của tổ chức giám định (quy định rõ tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan, khoản 3 Điều 3 Thông tư 14/2015/TT-BTC); yêu cầu cơ quan Hải quan xác định trước mã số hàng hóa (Điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan, Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP).

Do đó, theo Tổng cục Hải quan, để thực hiện các quy định, các DN có thể căn cứ quy định nêu trên để chủ động sử dụng các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của pháp luật để đảm bảo tính chính xác trong việc khai hải quan. Tránh sai sót khi lần đầu khai báo và làm thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì trường hợp vi phạm lần đầu không thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, theo Tổng cục Hải quan, các DN kiến nghị về việc không xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm xảy ra do vi phạm lần đầu là không có cơ sở xem xét.

Đối với việc phân loại hàng hóa, tại Điều 26 Luật Hải quan 2014; khoản 2 Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP phân loại hàng hóa là việc cơ quan Hải quan phải căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa XNK để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam. Theo đó, việc cơ quan Hải quan tại nơi DN mở tờ khai chấp nhận hoặc không chấp nhận khai báo của DN được căn cứ vào thực tế hồ sơ hải quan của chính lô hàng XNK tại thời điểm làm thủ tục hải quan để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo quy định.

Theo đó, đối với phản ánh về việc cùng mặt hàng được áp nhiều mã HS khác nhau ở các chi cục hải quan khác nhau, Tổng cục Hải quan đề nghị các DN phản ánh về vụ việc phát sinh vướng mắc cụ thể để cơ quan Hải quan có cơ sở xem xét trả lời theo quy định.

4.7/5 - (1500 bình chọn)