Ngày 23.4, tại Hải Phòng, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics tổ chức Hội nghị Liên kết phát triển dịch vụ Logistics Hải Phòng. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo TP.Hải Phòng, đại diện của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), VCCI và các DN hoạt động trong lĩnh vực Logistics…
Thực trạng của ngành logistics non trẻ
Theo ông Đào Trọng Khoa – PCT Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam: Logistics là ngành dịch vụ mũi nhọn, thiết yếu, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam hiện có khoảng 4.000 – 5.000 DN cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa.
Trong số này, khoảng 97% là DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ, cung cấp 17 ngành dịch vụ, trong đó chủ yếu là giao nhận, vận tải các loại hình, kho bãi, khai báo hải quan. Ngành logistics đóng góp khoảng 4-5% GDP vào năm 2018. Tỉ lệ thuê ngoài logistics đạt mức 60-70%. Tỉ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia năm 2018 theo tính toán cập nhập của Hiệp hội logistics Việt Nam là 16,8%.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, đại dịch COIVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ xã hội và nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuỗi cung ứng thế giới bị đứt gãy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, khoảng 75%-80% DN thuộc Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) bị ảnh hưởng cả về hoạt động kinh doanh lẫn nguồn thu.
“Điểm nổi bật của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là chi phí logistics còn ở mức cao so với mức trung bình của thế giới. Kết cấu hạ tầng logistics chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các trung tâm logistics, nhiều thủ tục liên quan bất cập” – ông Khoa cho biết.
Tại Hải Phòng, các DN cũng chịu ảnh hưởng chung như trên. Mặc dù có nhiều cảng (46 cảng biển với trên 14km cảng biển) nhưng các cảng đang trong quá trình container hóa, chỉ có thể tiếp nhận các tàu nhỏ và chưa được trang bị các thiết bị xếp dỡ container hiện đại; Đường ra vào cảng nhỏ, thường xuyên ách tắc; Năng lực vận tải đường sắt chưa được hiện đại hóa…
Hải Phòng hiện có khoảng 300 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, đa phần là DN vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu.
Theo ông Khoa, Hải Phòng là địa phương hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics. Do đó, để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, thành phố có những khuyến nghị với Chính phủ cho phép cơ chế trong việc định ra các ưu đãi đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng; Nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi đáp; Phát triển công nghệ thông tin; Chất lượng nguồn nhân lực…
Cơ hội trở thành trung tâm logistics quốc tế
Ông Nguyễn Đức Thọ – PCT UBND TP.Hải Phòng – cho biết: Các ngành cảng biển đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17,55%. Các dịch vụ logistic xác định được vị trí chủ lực đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước.
“Tuy nhiên kết quả hoạt động logistic chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của thành phố, chưa có trung tâm logistic, trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ” – ông Thọ nhận định.
Theo ông Thọ, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành sự nghiệp CNH-HĐH, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước và là trung tâm dịch vụ logistic Quốc gia.
“Ngành logistics được xác định là một trong ba mũi nhọn kinh tế thành phố cần phát triển trong thời gian tới” – ông Thọ nói.
Theo tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam, ngành kinh tế logistics tại Hải Phòng tuy đông nhưng không mạnh. Những năm qua, Hải Phòng luôn ở trong top những địa phương dẫn đầu cả nước có chất lượng điều hành kinh tế tốt, là một cực tăng trưởng mạnh mẽ của tam giác phát triển kinh tế phía Bắc, cửa ngõ chính ra biển, có vị trí chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng và giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang – Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng trong khu vực.
Dù có vị trí thuận lợi, tiềm năng và từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics. Các DN logistics tại Hải Phòng chủ yếu là các DN nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các DN có trụ sở chính Hà Nội, TPHCM.
“Việc hàng trăm DN hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, DN phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập” – ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu trong việc đầu tư đa dạng hóa, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam. Do đó, Hải Phòng có thể trở thành một trung tâm dịch vụ logistics trung tâm trung chuyển của quốc tế và khu vực nếu có sự đầu tư bài bản, đồng bộ trong thời gian tới.
PGS-TS Đan Đức Hiệp, nguyên PCT UBND TP.Hải Phòng – đề xuất: Để đáp ứng yêu cầu hình thành “Trung tâm dịch vụ logistics Quốc gia” cũng như “Hình thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại”, cần phải bổ sung quy hoạch phát triển logistics; Hỗ trợ các DN logistics lớn trong nước và quốc tế góp vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Nghiên cứu và ban hành các cơ chế cho thuê đất, hỗ trợ đền bù, GPMB phù hợp: Quy hoạch phát triển cảng Hải Phòng một cách hợp lý…
Theo laodong.vn