Xuất siêu kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, dấu ấn đặc biệt EVFTA

dấu ấn đặc biệt EVFTA
dấu ấn đặc biệt EVFTA

Dấu ấn đặc biệt EVFTA

Năm 2020 dù đối mặt nhiều khó khăn song Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, năm nay là năm thứ hai liên tiếp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức trên 500 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương về xuất khẩu. Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 đạt mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, duy trì 5 năm liên tiếp (năm sau cao hơn năm trước) cán cân thương mại thặng dư, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm của người lao động.

Đáng chú ý là trong năm qua Quốc hội đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) ngay trong kỳ họp tháng 6/2020 để đưa vào thực thi từ tháng 8/2020.

Liên tục từ tháng 8/2020 tới nay, mặc dù diễn biến dịch bệnh tại EU và các nước trên thế giới rất phức tạp nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn liên tục ghi nhận mức tăng cao.

Bộ Công Thương dẫn chứng, tính chung cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 34,9 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch. Tuy nhiên, tính riêng 5 tháng kể từ khi thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD.

Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử… “Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất tốt”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

2021 – nhiều cơ hội từ FTA

Về dự báo tình hình thương mại, xuất nhập khẩu trong năm 2021, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, thế giới hiện nay là môi trường có bối cảnh mới với nhiều yếu tố khó lường, khó đoán định. Trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại và cả những dịch bệnh thiên tai….

Có thể nói 2021 và những năm tiếp theo còn nhiều khó khăn, phức tạp cho hoạt động thương mại quốc tế của các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên cũng phải khẳng định năm 2021 và những năm tới sẽ là những năm về cơ bản có được điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và sẽ ký kết.

Cùng với đó là việc chú trọng chính sách của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và quyết sách của Chính phủ trong hàng loạt khía cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật,…

“Tôi tin năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phát triển, thậm chí là tăng tốc của Việt Nam trong đó có cả khía cạnh hội nhập quốc tế và XNK”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng nay 29/12, “tư lệnh” ngành Công Thương cũng nhấn mạnh, năm 2021, ngành Công Thương sẽ tiếp tục phát triển thị trường bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước.

“Chúng ta cần phải thực hiện những chương trình hành động mà Chính phủ đã ban hành, từ tuyên truyền phổ biến pháp luật đến việc tái cơ cấu tổ chức lại các ngành hàng, thị trường…; tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các quy định về pháp luật. Nếu tổ chức tốt việc thực thi pháp luật thì sẽ khai thác rất hiệu quả các FTA”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Rate this post